Trong kinh doanh, để lấy được lòng tin của khách hàng là một điều vô cùng khó. Chính vì vậy, chỉ có “ chữ tín” và “ sự thành thật” mới có được “niềm tin” của người mua hàng.
Ai cũng biết rằng chữ tín hay “nói sao làm vậy” là yếu tố nền tảng trong kinh doanh làm ăn. Buôn bán có lãi giữ chữ tín với đối tác và với khách hàng, đã đành. Kinh doanh có thua lỗ đi nữa cũng phải tìm mọi cách duy trì niềm tin đối với mọi người. Bởi có giữ được niềm tin thì mới có cơ hội phát triển thương hiệu, trong trường hợp kinh doanh có lãi, hay mới giữ được các mối quan hệ làm ăn lâu dài, trong trường hợp có thua lỗ nhất thời.
Buôn bán lời hay lỗ nhất thời không khiến người ta mất đi cơ hội tạo dựng sự nghiệp thành đạt. Nhưng không có chữ tín, không biết tôn trọng chữ tín thì đừng nuôi hy vọng làm giàu thanh thản và bền vững. Có tín và có tâm thì sẽ có tất cả.
Với người Nhật, chữ tín trong kinh doanh và lòng tin trong những cư xử xã hội luôn được đề cao. Người Nhật luôn tin nhau bởi tính trung thực, tự giác đã trở thành văn hóa; Khách hàng luôn tin những công ty Nhật bởi cách làm chuyên nghiệp, có trách nhiệm, cam kết thực hiện đúng những gì đã hứa…
Đức tính đó được hình thành, giáo dục từ nhỏ, được rèn luyện qua thời gian. Chính vì vậy, nó không phải việc làm nhất thời mà trở thành “phong cách Nhật”.
Một ví dụ rõ nét nhất về tinh thần trọng chữ tín của người Nhật là câu chuyện về Fujita – công ty chuyên sản xuất dao, nĩa để cung cấp cho các công ty thực phẩm.
Theo hợp đồng, Fujita sẽ giao 3 triệu chiếc dao nĩa cho một công ty thực phẩm ở Chicago (Mỹ) vào ngày 1/9. Tuy nhiên, một vài sự cố thiết bị xảy ra khiến lô hàng chỉ được hoàn tất vào ngày 30/8, tức truớc hạn giao đúng…1 ngày. Nếu áp dụng cách giao hàng như đã thỏa thuận (vận chuyển bằng tàu, thời gian giao mất 1 tháng) đồng nghĩa với việc lô hàng không thể đến Chicago đúng hạn.
Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, công ty Fujita đã quyết định thuê trọn gói chiếc máy bay Boeing 707 để chở toàn bộ lô hàng đến công ty đối tác ở Chicago đúng hạn đã cam kết mặc cho số tiền bỏ ra cao gấp trăm lần so với giá cước thuê tàu và việc làm này dẫn đến lợi nhuận của Fujita bị sụt giảm nghiêm trọng.
Hành động này khiến công ty thực phẩm của Mỹ vô cùng cảm động và khâm phục. Chính vì vậy những năm sau đó, họ tiếp tục đặt mua dao nĩa của Fujita với số lượng tăng gấp đôi, gấp ba và trở thành khách hàng thân thiết của hãng trong suốt thời gian dài.
Bằng cách thẳng thắn nhận trách nhiệm, biết đặt uy tín lên trên lợi ích, lợi nhuận của công ty là cách giúp người Nhật tạo có được lòng tin và sự tín nhiệm của khách hàng.
(th)
Trả lời