Tôi từng nghe một phụ nữ nông thôn ước ao được một lần bước lên chiếc xe đò để đi khỏi làng cho biết nhưng không có cơ hội. Đừng để cha mẹ ta cả đời chôn chân một chỗ nếu chúng ta có điều kiện. Hãy dành cho cha mẹ một chuyến đi xa bằng máy bay để ông bà cảm thấy điều tuyệt diệu của hàng không.
Mẹ tôi sau chuyến bay đầu tiên từ Đà Nẵng vào Sài Gòn, vừa đáp xuống sân bay đã nhờ gọi điện về tíu tít khoe với cô hàng xóm về cảm giác tuyệt vời khi bay giữa chín tầng mây và chưa kịp nhắm mắt ngủ thì đã đặt chân tới một nơi xa lắc.
Không phải du lịch mà là du lịch nước ngoài để cha mẹ được “sống” trong một cộng đồng khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán so với bà con lối xóm ở quê. Lần đầu biết được thế giới rộng lớn, cuộc sống muôn màu, con người đa dạng là một trải nghiệm vô cùng đặc biệt. Không cần đi xa, chỉ cần Thái Lan, Lào, Campuchia, Singapore… cũng đủ để cha mẹ ngỡ ngàng thích thú.
Ngày trẻ, bạn mải mê vui chơi với bạn bè, thử thách bản thân bằng những chuyến đi bụi một mình. Có bao giờ bạn nhớ đến thuở bé thơ vẫn hay đòi cha mẹ dẫn đi chơi chỗ này chốn nọ? Hoặc bạn có nghĩ lúc về già mình cũng muốn tiếp tục du lịch đó đây?
Việc bạn đưa cha mẹ đi chơi cùng không đơn giản chỉ là báo hiếu.
Trải nghiệm hạnh phúc với người thân
“Có lần khi ngồi cạnh ba mẹ trên một bãi biển tuyệt đẹp trong chuyến du lịch gia đình đầu tiên, tôi chợt nhận ra có những thứ mình từng nghĩ chỉ phù hợp để vui vẻ với bạn bè, hóa ra lại hạnh phúc hơn, vui vẻ hơn khi được chia sẻ cùng cha mẹ” – L.Thảo (29 tuổi, chuyên viên thiết kế, TP.HCM) kể lại. Và Thảo cho biết kể từ đó cô làm việc chăm hơn để kiếm tiền mời cha mẹ đi nghỉ dưỡng một hai lần hằng năm. Trong những chuyến đi đó, Thảo luôn đóng vai trò một “hướng dẫn viên” hào phóng, tận tụy, để sau đó đọng lại trong Thảo và những người thân yêu của mình là những khoảnh khắc không thể nào quên.
“Nhà mình ngày trước nghèo nên suy nghĩ thường trực của ba má mình là rất tiết kiệm. Mình cứ nghĩ ba má không thích đi du lịch vì sợ tốn kém. Nhưng cuối năm ngoái khi mình lên kế hoạch cả nhà đi chơi xa một chuyến thì thấy hai người vui lắm, nôn nao chuẩn bị đồ trước đó cả tháng, gặp người quen nào cũng khoe sắp đi chơi. Ba má mình đều gần 60 tuổi, luôn nắm chặt tay nhau, người nọ dìu người kia ngắm cảnh, chụp hình. Đi bên cạnh, mình cảm nhận một hạnh phúc thật bình lặng dâng lên trong lòng, khác hẳn những cuộc vui ồn ào với bạn bè. Từ đó mình tự nhủ sẽ đưa ba má đi chơi nhiều hơn nữa” – N.Linh (28 tuổi, Q.4) tự hào khoe về những chuyến du lịch của gia đình mình. Chính vì thế, từ chối dần một số cuộc vui với bạn bè để dành thời gian, tiền bạc chăm lo cho niềm vui tuổi già của cha mẹ là điều L.Thảo và N.Linh vẫn làm và ngày càng cố gắng làm tốt hơn
Với Hoàng Quân (29 tuổi, copywriter, Gò Vấp), việc đưa cha mẹ đi du lịch là điều Quân làm khá thường xuyên và đã làm từ lâu. Có những chuyến đi còn được mở rộng thành phần, bao gồm cả cha mẹ và bạn bè. Quân chia sẻ: “Ba mẹ tôi tính tình trẻ trung, nên mỗi lần đi chơi với bạn tôi vẫn mời ba mẹ đi cùng. Qua những chuyến đi chung, ba mẹ sẽ biết tôi chơi với những người bạn như thế nào và bạn bè cũng biết được ba mẹ tôi tuyệt vời làm sao. Còn tôi, tất nhiên niềm vui ấy sẽ nhân lên gấp bội vì được chia sẻ những giây phút đáng nhớ với cả người nhà và bạn thân”.
Giữa các thế hệ luôn có khoảng cách về tư duy, dung hòa được niềm vui với bạn bè và hạnh phúc của cha mẹ như Hoàng Quân là điều không dễ. Song không phải là không thể làm được, chỉ cần những “họa sĩ trẻ” khi vẽ bức tranh cuộc sống của mình, mà trước tiên là những chuyến đi cùng gia đình, biết sử dụng các chất liệu ủ đầy yêu thương thì dù tài hoa hay không bức tranh ấy vẫn là kiệt tác.
Để chuyến đi thêm phần hoàn hảo
Người trẻ thường đợi đến lúc đủ khả năng tài chính lo cho cả gia đình đi chơi, lúc đó các bậc sinh thành đã đến tuổi mỏi gối chồn chân, sức khỏe không còn sung mãn. Cha mẹ không phù hợp với những chuyến đi đòi hỏi sự xông xáo hay có tính chất mạo hiểm, nhưng sẽ thích hợp với hình thức nhàn tản ngắm cảnh, thưởng thức đặc sản của những vùng đất mới. Mỗi chuyến du lịch cùng gia đình sẽ thể hiện sự lựa chọn tinh tế của bạn trẻ, mỗi hành trình cần tính toán để phù hợp với sức khỏe và sở thích của cả nhà.
Bình An (30 tuổi, chuyên viên phân tích chỉ số, TP.HCM) đã có kinh nghiệm với hơn 10 chuyến đi cùng cha mẹ, chia sẻ: “Đi du lịch cùng cha mẹ theo tour hoặc tự túc đều nên nắm một số quy tắc như: xác định mình là điểm tựa, bao quát mọi vấn đề ăn ở, chiều chuộng sở thích của cha mẹ. Đi chậm và trò chuyện nhiều hơn để cha mẹ không cảm thấy bị bỏ rơi. Sau mỗi ngày đi bộ, giây phút cả nhà ngồi bóp chân cho nhau là tuyệt nhất… Cuối cùng hãy chụp hình chung thật nhiều, một năm sau xem lại bạn sẽ thấy giây phút đó thật đáng nhớ, mười năm sau rất có thể đó sẽ là những khoảnh khắc quý giá hơn mọi thứ bạn từng có trên đời”.
Nhà thơ Tagore từng nói: “Con cái không chỉ là con cái mà còn là tương lai, là giấc mơ của cha mẹ”. Một lần thử dừng lại suy nghĩ, ở độ tuổi xế chiều tương lai của cha mẹ còn dài được bao nhiêu, giấc mơ của cha mẹ lớn được chừng nào, nhiều bạn trẻ hẳn sẽ thảng thốt nếu chưa từng đưa cha mẹ đi du lịch một lần.
Nỗi lòng cha mẹ
Ông Duy Sơn (55 tuổi, TP.HCM): “Nhà tôi không khá giả nên việc du lịch được xem là xa xỉ, dù cả hai vợ chồng đều thích được đi đây đó. Con gái tôi cảm nhận được điều đó nên năm ngoái đã đưa cả nhà đi Nha Trang chơi bốn ngày. Vài tháng trôi qua, dư âm về chuyến đi vẫn còn đọng lại, chúng tôi vẫn nhắc, kể về khoảng thời gian vui vẻ ấy và mong có dịp được đến những miền đất khác. Con tôi nói mỗi năm sẽ lo cho gia đình đi chơi một lần thật hoành tráng. Tôi nghĩ các gia đình nên thường xuyên tổ chức đi chơi chung. Dư âm của mỗi chuyến đi sẽ là chất keo gắn bó tình cảm của gia đình”.
Bà Phan Thị Nương (61 tuổi, Hà Nội): “Nhiều khi tôi cảm thấy mình vô phúc khi chỉ có hai đứa con mà không thể gần gũi, thân thiết. Chúng mải chơi cùng bạn bè, đi khắp tỉnh này tỉnh nọ, phung phí không biết bao nhiêu thời gian và tiền bạc nhưng chẳng mời mẹ đi chơi được lấy một lần. Những lúc nhìn những ông bà được con cái đưa đi du lịch chỗ này chỗ khác tôi cũng chạnh lòng. Nhưng cái số của mình không may thì đành phải chấp nhận vậy”.
Cổ nhân có câu: “Bách thiện hiếu vi tiên” là có ý nói rằng trong trăm việc thiện thì việc hiếu là đứng đầu. Con cái hiếu thảo với cha mẹ là đạo lý làm người được lưu truyền từ xưa đến nay.
Trả lời